Miền đất hứa của các nhà đầu tư
Những ngày cuối năm, đi giữa các khu công nghiệp, từ Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện cho đến khu công nghiệp kiểu mẫu Thăng Long Vĩnh Phúc, chúng tôi cảm nhận rõ khí thế sản xuất sôi nổi và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư của tỉnh – kết quả có được từ sự dày công nỗ lực suốt 26 năm qua.
Được tái lập năm 1997, với xuất phát điểm kinh tế đứng hàng cuối của cả nước nên ngay những năm đầu, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải phá thế độc canh của sản xuất nông nghiệp, hình thành, phát triển công nghiệp, và trong quá trình đó, thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để phát triển. Nỗ lực thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh đã có nhiều quyết sách mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút các dự án công nghiệp bằng các chương trình, đề án cụ thể. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm về thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục; vận hành tốt Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa, một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư và các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại tỉnh để nắm bắt nhu cầu đầu tư, xác định rõ các thị trường tiềm năng, các nhà đầu tư mục tiêu, từng bước hướng tới các thị trường có thế mạnh về vốn, công nghệ cao theo phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”.
Không bỏ lỡ các cơ hội thu hút đầu tư, tỉnh đã điều chỉnh định hướng thu hút các dự án FDI qua từng thời kỳ. Cụ thể, giai đoạn 1997-2004, Vĩnh Phúc chủ trương thu hút những dự án đầu tư có sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết bài toán công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách. Đến năm 2004, khi bước vào nhóm các địa phương có tổng thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, quan điểm thu hút vốn FDI có sự thay đổi. Một mặt, tỉnh tiếp tục thu hút những dự án FDI nhằm giải quyết việc làm cho lao động phổ thông, mặt khác, bắt đầu hướng tới những dự án chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao và sử dụng nhiều hơn lực lượng lao động đã qua đào đạo. Từ năm 2016 đến nay, chuyển sang thu hút FDI theo chiều sâu và chỉ chấp nhận những dự án chất lượng cao, tạo tác động lan toả, hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề.
Các dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh chủ yếu hoạt động trong linh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh của năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc đã linh hoạt thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư. Thay vì thành lập đoàn đi xúc tiến đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, hợp tác hữu nghị với các nước: Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc; quảng bá môi trường đầu tư trực tuyến tại Đức, Italia, Đài Loan, Singapore. Riêng những tháng cuối năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước dẫn đầu đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Singapore, Malaysia để nắm bắt về nhu cầu, xu hướng đầu tư, giới thiệu về môi trường đầu tư, những lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút. Đồng thời, tổ chức đón tiếp nhiều đoàn công tác đến tìm hiểu môi trường đầu tư; chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư đến từ các quốc gia có nền kinh tế, công nghệ phát triển.
Bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và công nghệ số phát triển, việc tìm kiếm môi trường đầu tư lý tưởng của của các doanh nghiệp FDI không còn là vị trí địa lý mà là đến từ nội lực con người, từ các chỉ số về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh. Qua các chuyến công tác xúc tiến đầu tư gần đây, các doanh nghiệp FDI đều quan tâm nhiều đến vai trò, hành động của người đứng đầu chính quyền, việc số hóa, nâng cấp các tài liệu giới thiệu về môi trường đầu tư; việc công khai danh mục dự án ưu tiên đầu tư, quy hoạch các khu nhà ở xã hội, khu công nghiệp, sân gofl, các địa điểm nghỉ dưỡng. Đồng thời, mong muốn tỉnh tăng cường hỗ trợ thủ tục pháp lý hoặc giới thiệu các đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp để đầu tư vào các dự án tiềm năng, dự án phát triển các khu công nghiệp thông qua hình thức góp vốn, cổ phần, mua bán, sáp nhập.
Theo bà Trang, trên cơ sở xác định rõ thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực; tiềm năng thế mạnh, chính sách ưu đãi, các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và thiết kế mới bộ tài liệu xúc tiến đầu tư bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung. Phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phù hợp với từng giai đoạn.
“Thu hút FDI luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu và khu vực FDI luôn được coi là “quả đấm thép” giúp tỉnh vượt trội về công nghiệp, với quy mô vốn/dự án đạt trung bình khoảng 11 triệu USD/dự án, thuộc nhóm cao trong cả nước. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả trong định hướng lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng của Vĩnh Phúc trong suốt những năm qua”- bà Trang nhấn mạnh.
Thành công đến từ nội lực con người
Năm 2022- năm thứ 2 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đi vào cuộc sống, thu hút đầu tư tiếp tục khẳng định là động lực cho kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vốn, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn lao động cho các nhà đầu tư tại chỗ trong bối cảnh đại dịch đã giúp Vĩnh Phúc ghi thêm điểm trong mắt các nhà đầu tư. 5 năm trở lại đây, dòng vốn FDI từ các dự án mới và dự án tăng vốn tăng cao theo từng năm, từ 337,3 triệu USD năm 2016 lên 448,146 triệu USD năm 2017, 526,788 triệu USD năm 2018, 1.158 tỷ USD năm 2019, 1.024 tỷ USD năm 2021. Riêng 10 tháng năm 2022, dù thu hút vốn FDI mới đạt 312.480 triệu USD và chưa bằng cùng kỳ năm ngoái nhưng đây vẫn là thành công của tỉnh sau 2 năm gồng mình chống dịch.
Đối với thu hút DDI, dòng vốn đầu tư cũng tăng mạnh, từ 2.105 tỷ đồng năm 2017 lên 5.331 tỷ đồng năm 2018, 18.076 tỷ đồng năm 2019, 8.986 tỷ đồng năm 2020, 21.838 tỷ đồng năm 2021 và đạt 9.797 tỷ đồng 10 tháng năm 2022. Các dự án đầu tư vào tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm mà còn tạo nên những dấu ấn mới trong thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, bởi tỉnh luôn nỗ lực cải thiện và bảo vệ môi trường đầu tư. Hiện tỉnh có 14/19 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư và dư địa đất công nghiệp rất lớn. Năm 2022, Vĩnh Phúc có 109 ha đất công nghiệp cho thuê; năm 2023 sẽ có khoảng trên 600 ha đất công nghiệp cho thuê và dự kiến đến năm 2025 có trên 1300 ha đất công nghiệp có thể cho thuê.
Là người theo sát hoạt động thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc, tại hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản năm 2022, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Vĩnh Phúc sẽ tiến xa và vượt mục tiêu thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 vì đây là cái nôi của đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam và tỉnh đã tạo ra một hiện tượng về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư đến từ chính nội lực con người bằng việc mạnh tay trong cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. “Dịch bệnh Covid-19 được coi là giai đoạn “lửa thử vàng” của người Vĩnh Phúc nhưng cũng là thời điểm tạo thêm lợi thế, niềm tin của các doanh nghiệp với tỉnh. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn, xuất nhập cảnh, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn lao động, các doanh nghiệp đã coi đây là căn cứ địa để đầu tư xây dựng nhà máy, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng theo từng năm”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Trực tiếp tham gia các đoàn công tác xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc, Singapore vừa qua, bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vấn đề cốt lõi để thu hút đầu tư hiện nay là tỉnh phát triển được đội ngũ dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, pháp lý thành mạng lưới vững chắc và xây dựng được cơ sở dữ liệu số về doanh nghiệp. Cùng với đó, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia, về công nghệ số, trung tâm dữ liệu, năng lượng tái tạo, bán dẫn, chuyển dịch chất lượng các dự án đầu tư lên thang giá trị cao hơn.
Còn tại buổi gặp gỡ, tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư FDI mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, Vĩnh Phúc luôn tạo các cơ hội công bằng và tốt nhất cho các nhà đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên phát, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao theo chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng thuộc các lĩnh vực ôtô, xe máy, xe điện; nhóm điện tử gia dụng và máy nông nghiệp, cơ khí chế tạo; chế biến thực phẩm và nông sản… Và căn cứ vào tình hình thực tiễn, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. “Vĩnh Phúc là một tỉnh hiếm hoi hình thành nên văn hóa của một tỉnh công nghiệp và đây là điều kiện quan trọng để tiếp cận với một xã hội công nghiệp, hướng tới ngày càng chuẩn mực hơn, chuyên nghiệp hơn, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy nội lực con người, cải thiện và bảo vệ môi trường đầu tư, tương tác ở mức cao nhất với doanh nghiệp”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.
Hotline: